Tập đoàn Lộc Trời – tiền thân là Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) là nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ dẫn đầu thị trường Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Hành trình phát triển cũng như những dấu ấn được ghi như thế nào hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!

Giới thiệu

Tập đoàn Lộc Trời – tiền thân là Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) là nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ dẫn đầu thị trường Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, với chuỗi giá trị bền vững từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm hữu cơ sinh học.

5

Quá trình hình thành và phát triển

1993: THÀNH LẬP

Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang được Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang ra quyết định thành lập vào ngày 30/11/1993, với cơ sở vật chất ban đầu rất nhỏ bé, tiền vốn kinh doanh ban đầu chỉ 750 triệu đồng và 23 nhân viên.

Bắt đầu với lĩnh vực cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, bằng chất lượng sản phẩm đáng tin cậy và chiến lược kinh doanh đột phá, công ty từng bước nhận được sự tin tưởng của bà con nông dân cả nước. Xuất thân từ một tỉnh nhỏ của Đồng Bằng Sông Cửu Long, Bảo vệ thực vật An Giang – AGPPS nhanh chóng mở chi nhánh tại TP.HCM vào năm 1994 và mở rộng phạm vi kinh doanh trên cả nước, qui mô và doanh số không ngừng tăng lên.

1996: THÀNH LẬP NGÀNH GIỐNG

Năm 1996, với Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Giống đi vào hoạt động, Bảo vệ thực vật An Giang chính thức bước vào lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh hạt giống đầy tiềm năng. Chú trọng mạnh mẽ trong việc đầu tư công nghệ, chất xám trong lĩnh vực nghiên cứu, chọn tạo giống lúa, Bảo vệ thực vật An Giang từng bước trở thành đơn vị dẫn đầu trong ngành kinh doanh hạt giống tại Việt Nam.

1996: XÂY DỰNG NHÀ MÁY CHÂU THÀNH VÀ NHÀ MÁY LÊ MINH XUÂN

Cũng trong năm 1996, Bảo vệ thực vật An Giang đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 02 nhà máy gia công, chế biến nông dược với tổng công suất trên 5.000 tấn mỗi năm với nhiều chủng loại sản phẩm. Việc đầu tư xây dựng nhà máy đã giúp công ty hạ được giá thành sản phẩm, mẫu mã bao bì luôn được cải tiến phù hợp với thị hiếu của nông dân, chất lượng và sản lượng sản phẩm luôn ổn định giúp công ty chủ động mở rộng hệ thống phân phối, phục vụ nông dân.

1999: TĂNG TRƯỞNG VƯỢT BẬC

Năm 1999, sau 06 năm hoạt động, Bảo vệ thực vật An Giang đã tăng vốn lên gấp 57 lần, doanh thu cán mức 600 tỷ đồng so với 13 tỷ đồng trong những năm đầu thành lập, nộp ngân sách tổng cộng 109,8 tỷ đồng.

2000: NHÀ NƯỚC TRAO TẶNG DANH HIỆU ANH HÙNG LAO ĐỘNG

Năm 2000, công ty vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh Hùng Lao Động cho những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất và các hoạt động xã hội. Năm 2002, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc công ty vinh dự được nhà nước trao tặng danh hiệu Anh Hùng Lao Động. Từ đầu những năm 2000, Ban lãnh đạo công ty đã nuôi quyết tâm xây dựng công ty trở thành một tập đoàn tầm vóc với chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững hàng đầu thế giới.

2004: CỔ PHẦN HÓA

15 năm sau kể từ khi ý tưởng xây dựng tập đoàn được hình thành, Bảo vệ thực vật An Giang đã tiến những bước dài bền vững. Công ty được cổ phần hoá vào năm 2004 với số vốn điều lệ 150 tỷ đồng.

2006: XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH CÙNG NÔNG DÂN RA ĐỒNG

Công ty bắt tay xây dựng Lực lượng 3 Cùng và triển khai chương trình lớn Cùng nông dân ra đồng vào năm 2006, tạo nên chuyển biến nhảy vọt trong việc tiếp cận kỹ thuật canh tác hiện đại cho nông dân cả nước.

Từ 12 kỹ sư thành viên, đến nay Lực Lượng 3 Cùng đã lên tới gần 1200 kỹ sư cùng ra đồng với nông dân. Tổ chức Guinness Việt Nam đã chính thức công nhận “lực lượng 3 cùng” của Tập đoàn Lộc Trời là lực lượng cùng nông dân ra đồng lớn nhất ở Việt Nam.

2010: XÂY DỰNG NGÀNH LƯƠNG THỰC

Năm 2010, ngành Lương thực của công ty chính thức được khởi động. Những cánh đồng mẫu lớn đầu tiên được công ty xây dựng trên khắp vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và Chuỗi giá trị lúa gạo đầu tiên của Việt Nam từng bước được định hình.

2015: ĐỔI TÊN THÀNH TẬP ĐOÀN LỘC TRỜI

Ngày 23-08 – 2015, tại Thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã chính thức đổi tên thành Tập đoàn Lộc Trời. Thương hiệu Bảo vệ thực vật An Giang đã được nông dân biết đến và tin tưởng suốt 22 năm qua đang bắt đầu một cuộc chuyển hoá lịch sử với trọng tâm phục vụ người nông dân thông qua chiến lược xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp hàng đầu thế giới.

2017: TỰ HÀO LÀ THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA

Năm 2017, Tập đoàn Lộc Trời vinh dự trở thành Thương hiệu Quốc gia và là 1 trong 12 doanh nghiệp tiêu biểu kỷ niệm 30 đổi mới đất nước. Hướng tới một tương lai hạnh phúc, cam kết mang đến những giá trị bền vững, Tập đoàn Lộc Trời đã và đang đồng hành cùng người nông dân Việt Nam viết nên một câu chuyện mới trong hôm nay và cho những thế hệ tương lai.

Vai trò xây dựng nông thôn mới

Về nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất lúa gạo, lai tạo chọn lọc ra các giống lúa mới. Trước đây Tập đoàn lệ thuộc hoàn toàn vào các giống OM của Viện lúa đồng bằng sông Cửu long. Tuy nhiên hiện nay đội ngũ các nhà khoa học của Lộc trời đã lai tạo chọn lọc thành công các giống lúa mới chất lượng cao phục vụ sản xuất. Năm giống đã được công nhận chính thức là Lộc trời 1, Lộc trời 2, Lộc trời 3, Lộc trời 4, Lộc trời 5.

6

Về tổ chức liên kết giữa nông dân và Tập đoàn Lộc Trời, trong lịch sử, Việt nam đã từng tổ chức hợp tác hóa nông nghiệp bắt buộc dẫn đến năng suất lao động thấp và thất bại. Tuy nhiên hiện nay với nền nông nghiệp tiểu điền, mỗi nông dân cá thể với mãnh đất nhỏ, tự quyết định trồng giống gì và kỹ thuật như thế nào nên sản phẩm làm ra không đồng nhất, khối lượng không lớn, giá trị không cao

Về chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường, khởi điểm từ vụ Đông Xuân 2012 – 2013, chương trình do Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, 22 chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật phía Nam, kết hợp cùng Tập đoàn Lộc Trời đã thực hiện tại các xã nông thôn mới.

Về sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP, bắt đầu từ năm 2016, Tập đoàn đã tiến thêm một bước mới bằng cách tham gia vào Diễn đàn quốc tế sản xuất lúa gạo bền vững SRP (Sustainable Rice Platform – www.sustainablerice.org). SRP là tổ chức được đồng sáng lập bởi Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) vào tháng 12 năm 2011.

Về hiệu quả kinh tế trồng lúa theo hướng áp dụng công nghệ cao, trồng lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, gia tăng thu nhập gia đình góp phần để đạt được tiêu chuẩn kinh tế trong chương trình nông thôn mới. Trong năm 2015, tổng diện tích gieo trồng vùng nguyên liệu lúa gạo của Tập đoàn đạt mức 92.000ha

 

8 Previous post Tập đoàn cà phê Trung Nguyên
Nong nghiep Next post Cầu Đất Farm